Vừa mới thi tốt nghiệp xong, dân tình lớp 12A… (trường N.C.T) được một phen choáng váng khi cô bạn N.Nh tíu tít rủ mấy tên con trai trong lớp đi… bưng mâm quả cho đám hỏi của mình, rồi hí hửng khoe hè này làm đám hỏi xong là cuối năm cưới luôn. Đang đi học, đùng một cái, bỏ học lên xe hoa! Sự thật thế nào?
“Lấy chồng sớm làm gì…”
M.Thảo, học lớp 11 trường D.A, làm cả lớp “đứng tim” khi đùng đùng rút học bạ, nghỉ học ở nhà. Bạn bè kéo đến hỏi thăm thì Thảo nhăn răng cười khì khì nói, “nghỉ để qua Mỹ du học”. Ai cũng thấy lạ, vì M.Thảo học hành cũng không thuộc hàng tanh tưởi để có thể giành được một suất học bổng. Mà gia đình Thảo thì cũng chẳng hoành tráng đủ để mỗi năm xì ra trên nghìn đô cho cô con gái theo học khoa quản trị kinh doanh ở đất Mỹ đắt đỏ. Tất cả chỉ vỡ lẽ khi lớp được mời đến dự một... đám cưới tưng bừng. Đám cưới có cô dâu 17 tuổi bạn mình mới hôm qua còn tí tởn tụm năm tụm bảy mút chung cây kem… Hóa ra, Thảo chấp nhận lấy chồng để có được tấm “thẻ xanh” nhanh nhất để qua Mỹ. Sang được đến Mỹ thì dĩ nhiên “gia đình bên đó” sẽ chu cấp toàn bộ để Thảo tiếp tục học. Lấy chồng nhưng được mang cái tiếng là đi du học, oai ra phết chứ bộ!
Vừa mới thi tốt nghiệp xong, dân tình lớp 12A… (trường N.C.T) được một phen choáng váng khi cô bạn N.Nh tíu tít rủ mấy tên con trai trong lớp đi… bưng mâm quả cho đám hỏi của mình, rồi hí hửng khoe hè này làm đám hỏi xong là cuối năm cưới luôn. Đám nhà lá tha hồ “quăng dưa lê”, tại sao Nh. “chống lầy” sớm quá chừng chừng. Vì ba mẹ ép? Vì gia đình khó khăn? Không phải, nhà Nh. cũng khá giả, có đến nỗi nào… Cuối cùng thì đám “dưa lê” thành “dưa bở” hết ráo vì “cô dâu” đã hồn nhiên tâm sự: “Tụi bây hỏi hoài không chán hả? Mèn ơi, đừng có quan trọng hóa vấn đề quá. Có ai cấm lấy chồng xong không được học tiếp đâu. Mà bây coi, bên Hàn Quốc ấy, đang là học sinh trung học cũng lấy nhau hà rầm”.
Trời đất! Vuốt mồ hôi cái coi! Có lẽ nào, phim Hàn lại “lậm” vào đầu óc teen Việt đến thế rồi? Hết “Em mãi yêu anh” có Chaerim xinh nức nở kết hôn với thầy giáo của mình, rồi đến cô nàng chí choách trong “Cô dâu 15” ám ảnh, không bị “lậm” mới lạ! Viễn cảnh trong phim vẽ ra trước mắt lung linh thế kia mà, những “cô dâu 15 tuổi” có “cuộc sống gia đình” vui nổ trời thế kia mà, sao không ham cho được!?!
Nhiều cô bạn hồn nhiên như cô tiên nghĩ rằng lấy chồng có gì đâu mà to tát, chỉ là “có thêm một người lạ trong nhà”. Bắt rễ từ những cách nghĩ vô cùng nông cạn, một số teen hí hửng mường tượng đến một cuộc sống gia đình tựa một thế giới lạ lẫm đầy mê hoặc. ở đó, sáng sáng “chồng” đưa vợ đi học, tan trường có “ông xã” đứng chờ, cả hai sẽ cùng tung tăng đi ăn tối ở một cái quán nào đó (ặc ặc). Ngây thơ đến không ngờ!
Mời “các ấy” đi ăn cỗ!
Tuần trước, người viết bài vừa mới được dự một đám cưới “du học” của cô bạn cùng lớp, chính xác không phải “đám cưới” mà là “đám cười” thì đúng hơn. Tháp sâm banh vừa rót xong, cha mẹ hai bên vừa bước xuống sân khấu, tụi con trai đã ào tới giành mấy ly rượu, y chang cảnh… chia kẹo liên hoan lớp. Cả nhà hàng Cung Hỷ (Q6) như vỡ ra bởi tiếng hò hét của cả lũ khi chú rể… kiss cô dâu! Cô dâu thì hồn nhiên, cười tít mắt “Hôm qua còn đi ăn chè với thằng Vinh, bữa nay thành… chồng, nghĩ cũng ngộ ghê mày”. Cô dâu chú rể cũng đi “chào bàn”, cũng dzô dzô liên tục, còn hứng chí đến mức cô dâu trèo lên sân khấu hát một chặp mấy bài liền với… thằng bạn ngồi cạnh trong lớp.
Lúc cô dâu thay soa-rê, cả đám tổ 3 hồ hởi chạy theo rồi mất tích luôn trong phòng thay áo. Khi tớ có mặt ở “hiện trường” thì mọi thứ cứ ngổn ngang, còn ba nhỏ bạn thân của cô dâu thì mỗi đứa khoác một cái soa-rê, nghiêng ngó trước gương. Cô dâu tỉnh rụi “Ê, mặc vầy ra chụp chung với tao luôn nghen”. Thế là đám kia nhao nhao lên “Lẹ đi rồi vô thay cho tao nha! Tao xí cái hồng”, “Tao cái màu môn”, “Ê, tao hổng mặc cái áo dây đâu nghe”.
Xong đám cưới, quẳng “thùng tiền mừng” cho ba mẹ, cô dâu chú rể… tót đi riêng. Cô dâu than bụng đói, vậy là hai đứa một xe, chú rể chở cô dâu đi… ăn bò bía cùng tụi bạn.
Giờ mà có nhớ nhỏ bạn, tụi trong lớp chỉ có nước đi ngang qua cái tiệm chụp ảnh cưới to đùng trên đường Phan Đình Phùng để nghía tấm ảnh cô dâu chú rể to chà bá nằm ngay cửa. Cửa hàng xin phóng lớn tấm ảnh này mà. Ôi, cô dâu đang cười toe toét kia kìa, qua bên đó có còn được vô tư thế này nữa không?
“Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”
N.Nhi lấy chồng xong vẫn tiếp tục thi và đậu Đại học. Nhưng ngặt một cái là năm sau đó có “bé bi”. Lúc đi học lại phải gửi con cho bà ngoại giữ. Cứ đang học thì điện thoại rung bần bật, bà ngoại thằng cu cứ dăm phút lại réo “Nè, học về ghé mua tã với hộp sữa nhe! Mua vải rơ lưỡi cho thằng nhỏ luôn”. Thế là lo ra, chẳng còn tâm trí đâu chú ý bài giảng nữa. Lấy chồng xong mới vỡ mộng, chẳng thấy giống phim tẹo nào. Tất cả chỉ là mơ mộng, chỉ có cái hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền sữa… là thật sờ sờ ra đấy, chẳng mộng mị tẹo nào.
Còn cô bạn M.Thảo kể trên, sang tới Mỹ, ngày nào cũng tối mặt tối mũi phụ gia đình chồng coi sóc cái quán phở nhỏ. Nói “coi sóc” cho sang, chứ thật ra là chạy bàn ầm ập, tối về mình mẩy rêm hết. Lời hứa “sang Mỹ du học” đành lỡ hẹn với cô dâu 17 tuổi. Cũng tại ham được du học không tốn giọt mồ hôi nào nên giờ mới thành ra lất lơ thế này. Chẳng đứa bạn nào nhận ra bà cô già khọm trong tấm ảnh Thảo gửi về là chân dung cô nàng cả. Tội!
Kết hôn, teen chưa thể sẵn sàng
Gửi những teen đang “gieo mầm” trong đầu về một cây gia đình hạnh phúc sum sê hoa thơm quả ngọt! Hãy khoan vùi hạt trồng cây, vì bạn chưa thực sự sẵn sàng.
Bạn chưa sẵn sàng về sinh lý. Bạn chỉ mới 15-18 tuổi, cơ thể chỉ mới hoàn thành phần “khung”, cái “khung” chưa đủ cứng cáp để nuôi dưỡng một cơ thể mới (điều mà chắc chắn ấy sẽ gặp phải khi “chống lầy”). Bạn, khi mà vẫn còn mê ngậm ô mai và… khoái treo poster Đan Trường, thì vẫn chưa có đủ kinh nghiệm cũng như khả năng để lèo lái một tổ ấm. Sẽ rất “phiêu lưu” đấy! Chưa kể là phải chuẩn bị “tâm lý làm mẹ” nữa chứ, rất phức tạp và gian nan!
Thứ hai, hãy mở cuốn sách giáo khoa Giáo Dục Công Dân lớp 11 ra để biết được rằng, nếu kết hôn trước 18 tuổi (với nữ), nghĩa là bạn đang vi phạm pháp luật đấy! Mà đùa với luật pháp thì không giỡn được đâu! Hội chứng “chống lầy” sớm chỉ là do sự tò mò tuổi mới lớn, dễ bị chi phối, bị ảnh hưởng theo phim ảnh mà thôi.
Bởi thế, tốt nhất hãy cứ đợi đến khi có thể nắm được tương lai của mình, một tấm bằng Đại học hay một việc làm ổn định chẳng hạn, rồi hãy tính tiếp, bạn nhé!